“Thắng kiện chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc sẽ tạo thế thống lĩnh cho Hòa Phát”
18/07/2024“Nếu áp thuế chống bán phá giá vô hình chung sẽ tạo thế độc quyền cho Hòa Phát và Formosa. Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, người tiêu dùng cũng mất chi phí cao hơn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà.
Trả lời câu hỏi “Ai hưởng lợi nếu áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc” mà VietTimes đặt ra, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW – người chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, doanh nghiệp và thương mại, đã chỉ ra lợi ích và thiệt hại của các bên liên quan trong câu chuyện này.
“Lập luận chưa đủ thuyết phục”
Là một người theo dõi sự việc, ông có cho rằng việc nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng Trung Quốc của Hòa Phát và Formosa là hành động phòng vệ thương mại chính đáng?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Căn cứ theo khoản 1 Điều 70 Luật quản lý ngoại thương 2017 “Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu quá mức gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước”.
Như vậy, việc nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc của Hòa Phát và Formosa là có cơ sở, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số lượng thép cán nóng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua, đồng thời giá bán cũng có xu hướng giảm so với các giai đoạn trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, sản phẩm thép cán nóng từ các nước nhập vào Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, gần gấp đôi so với lượng sản xuất trong nước.
Trong đó, sản lượng thép cán nóng nhập từ Trung Quốc đạt gần 3,7 triệu tấn, chiếm gần 75% tổng lượng sản phẩm nhập vào Việt Nam với kim ngạch trị giá hơn 2,1 tỷ USD. Với mức kim ngạch này, giá thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn các quốc gia khác từ 48 – 186 USD/ tấn. Hòa Phát và Formosa cho rằng các vấn đề nêu trên gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nên đã nộp đơn đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm này.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
Tuy nhiên, những lập luận như vậy là chưa đủ thuyết phục để Bộ Công thương ra quyết định điều tra chống bán phá giá ngay lập tức đối với mặt hàng thép cán nóng. Hai doanh nghiệp này phải chứng minh được họ đại diện cho một nhóm doanh nghiệp hay ngành hàng trong nước đã chịu thiệt hại thực tế phát sinh từ việc bán phá giá bất hợp lý cho mục đích đạt được lợi thế cạnh tranh.
Ngoài những yếu tố về giá, số lượng…, cơ quan điều tra cần xem xét thận trọng và kỹ lưỡng các thiệt hại đối với các doanh nghiệp liên quan trong nhóm ngành tôn mạ, ống thép ở trong nước trước khi khởi xướng điều tra chống bán phá giá
12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trong nước cũng cho rằng không có căn cứ khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc. Và họ lo ngại quyết định về chống bán phá giá có thể tạo ra rủi ro liên quan “trả đũa” thương mại.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương quy định về Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm 1 khoản này với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm 2.
Từ điều luật trên, việc cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận giá lỗ để bán được hàng là không có bằng chứng xác thực, dữ liệu cụ thể, mà chỉ là phỏng đoán. Căn cứ để khởi xướng điều tra cần dựa trên các bằng chứng cụ thể về giá bán, chi phí sản xuất và tác động kinh tế.
Một cuộc điều tra chống bán phá giá cần phải dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng về thị trường, bao gồm cả yếu tố cung cầu, giá cả thị trường và sự tác động của hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất nội địa.
Rủi ro về việc Trung Quốc áp dụng biện pháp đối phó với cuộc điều tra không phải là vô cớ khi nhìn về lịch sử, đã có nhiều trường hợp Trung Quốc áp đặt biện pháp “trả đũa” thương mại sau khi bị kiện chống bán phá giá.
Tuy nhiên, nếu điều tra chống bán phá giá diễn ra cũng là quyền của Việt Nam áp dụng biện pháp bảo vệ cho ngành sản xuất trong nước theo quy định của WTO và luật pháp quốc tế.
Khả năng tăng vị thế thống lĩnh thị trường của Hoà Phát
Ông nhìn nhận thế nào về lập luận của 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát không đủ đại diện cho ngành sản xuất trong nước?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Lập luận của 12 doanh nghiệp mạ tôn và ống thép Việt Nam về việc bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát có một số điểm đáng chú ý.
Việc Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con mà Tập đoàn Hòa Phát kiểm soát gần như tuyệt đối và nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc được 12 doanh nghiệp lấy làm cơ sở khẳng định Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá, vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Khoản 1, Điều 69 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
Đồng thời, 12 doanh nghiệp đã dựa vào số liệu của Tổng cục Hải quan, biết rằng Hòa Phát và 5 công ty con đã thực hiện các hành vi tự xung đột lẫn nhau. Từ đó, các doanh nghiệp này kết luận rằng hành
động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích làm tăng giá nhập khẩu vào Việt Nam.
12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cũng cho rằng, quyết định áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng được thực hiện sẽ làm tăng vị thế thống lĩnh thị trường, để tăng giá bán nội địa, dẫn đến tối đa hóa lợi nhuận cho Hòa Phát và các công ty con của Hòa Phát, không phải để bảo vệ cho ngành sản xuất thép cán nóng nội địa.
Vậy nhìn tổng thể, nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng, ai sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về cơ bản, phòng vệ thương mại là những biện pháp tạm thời về thương mại, nhằm ngăn chặn, hạn chế hàng hóa nhập khẩu, với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép dẫn số liệu cho thấy: Trong khi tổng nhu cầu thép cán nóng 2 năm qua gần như không đổi, nhưng nguồn cung giảm gần 1,5 triệu tấn, nên lượng nhập khẩu bắt buộc phải tăng 1,55 triệu tấn tương ứng với lượng giảm của cung nội địa để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Nhưng hiện tại, thị trường thép HRC tại Việt Nam đang gặp phải một vấn đề lớn khi nguồn sản xuất thép trong nước không đủ cung cấp, vì thế doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn thép cán nóng từ nước ngoài. Như vậy, nhập khẩu là việc tất yếu! Nếu thực sự tiến hành điều tra chống bán phá giá thì không thể chắc chắn rằng các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước sẽ được hưởng lợi.
Một trong hai doanh nghiệp nộp đơn là Hòa Phát được ghi nhận đã nhập khẩu thép cán nóng của Trung Quốc rồi bán với giá cao hơn vào thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh nguồn cung thép cán nóng nội địa đang không đáp ứng đủ so với nhu cầu trong nước, việc 2 doanh nghiệp kể trên nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC có thể hướng đến mục đích chủ yếu là làm tăng giá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, bất chấp các tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.
Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho Hòa Phát và Formosa. Khi đó, các doanh nghiệp khác trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội với giá cao.
3 lưu ý cho một phán quyết công bằng
Theo ông, việc quyết định có áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không cần lưu ý những yếu tố nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc thực hiện đánh giá để ra quyết định điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc cần căn cứ vào các quy định theo Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như hồ sơ cụ thể. Tuy vậy, qua quá trình đánh giá thông tin từ các bên, một số yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng tới quyết định của các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, cơ quan điều tra cần xem xét Hòa Phát và Formosa có đủ tư cách pháp lý hay không để làm nguyên đơn trong việc đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng khẩu từ Trung Quốc
Trường hợp hai doanh nghiệp này trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước và không đủ tư cách để đại diện ngành sản xuất trong nước khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Thứ hai, cần xem xét toàn diện nhu cầu và thực trạng của thị trường thép cán nóng tại Việt Nam hiện nay. Khi nhu cầu tiêu thụ giữ vững hay có xu hướng tăng, trong khi khả năng sản xuất thép cán nóng trong nước còn thấp thì việc nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc được cho là cần thiết.
Việc lắng nghe, tham vấn ý kiến từ các doanh nghiệp trong ngành cũng vô cùng quan trọng, vì họ cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nếu cuộc điều tra diễn ra. Cơ quan điều tra nên tham khảo ý kiến và đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất trong nước về tác động của thép cán nóng nhập khẩu, hiểu rõ hơn về tác động của biện pháp chống bán phá giá đối với họ.
Thứ ba, bằng chứng cụ thể như biên độ phá giá, giá bán trên thế giới, chỉ số cung cầu … là yếu tố cần thiết để chứng minh cho hành vi bán phá giá. Cần có sự so sánh giá, xác định xem giá bán của HRC từ Trung Quốc tại thị trường Việt Nam có thấp hơn giá trị thông thường (giá bán tại thị trường nội địa Trung Quốc hoặc giá xuất khẩu sang các nước khác) hay không.
Quyết định cũng cần dựa trên phân tích chi phí sản xuất, lợi nhuận và các yếu tố giá thành khác để xác định xem có tồn tại hiện tượng bán phá giá không. Việc tìm hiểu, điều tra thực tiễn, liệu rằng có phần trăm doanh nghiệp nào đã gặp thiệt hại thực sự bởi những lý do do Tập đoàn Hòa Phát cung cấp cũng là yếu tố cần thiết.
Việc nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc cần xem xét liệu có gây ra áp lực giảm giá bán trên thị trường nội địa hay không, đánh giá tác động của HRC nhập khẩu đến thị phần của các nhà sản xuất nội địa, phân tích tác động của thép cán nóng nhập khẩu lên doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nội địa.
Từ đó, cơ quan điều tra xác định mối liên hệ trực tiếp giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Điều này bao gồm việc phân tích xem liệu thiệt hại có thực sự do bán phá giá gây ra hay do các yếu tố khác như thay đổi nhu cầu, chi phí sản xuất nội địa tăng hoặc biến động kinh tế chung.
Tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa nộp hồ sơ lên Bộ Công thương đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Kết quả điều tra mất thời gian từ 12 – 18 tháng. Quyết định có áp thuế hay không của Bộ Công thương sẽ có trong nửa đầu năm 2025. Do đó, Chứng khoán FPT mới đây cho rằng trong năm 2024, Hòa Phát sẽ tiếp tục phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ thép cán nóng Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát đi vào hoạt động sẽ giúp tăng số lượng thép cán nóng doanh nghiệp này, bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước. Sản lượng thép cán nóng của Dung Quất 2 nếu chạy tối đa công suất có thể đáp ứng được khoảng 70% lượng HRC đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thách thức duy nhất đến từ mức giá khi Hòa Phát và Formosa duy trì giá bán tương đồng nhưng cao hơn so với giá thép cán nóng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc sẽ tăng gần gấp 3 lần quy mô sản xuất HRC từ dự án Dung Quất 2, Chứng khoán FPT dự đoán tính cạnh tranh về giá của doanh nghiệp sẽ cải thiện nhờ lợi thế về quy mô.