Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) hưởng “lợi ích kép” khi tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế
18/07/2024Các doanh nghiệp tôn mạ trong nước như Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA),… được kỳ vọng sẽ hưởng “lợi ích kép” nếu tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức bị áp thuế chống bán phá giá.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT ngày 14/6/2024 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024. Thời gian xác định thiệt hại là từ 1/4/2018 đến 31/3/2024.
Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này.
Đến năm 2023, các doanh nghiệp tôn mạ tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra lại vụ việc. Các doanh nghiệp trong nước cáo buộc các sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Dựa trên các bằng chứng về hành vi bán phá giá của hàng hóa được điều tra do các doanh nghiệp yêu cầu cung cấp lần này, biên độ phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc ở mức 69,23% và từ Hàn Quốc ở mức 3,41%.
Hiện lượng thép tôn mạ kẽm được nhập về Việt Nam ở mức khoảng 500.000 tấn/năm; trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc ước chiếm khoảng 50%. Trong khi đó, sản lượng bán hàng nội địa của các doanh nghiệp tôn mạ trong nước ở mức hơn 1 triệu tấn/năm.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đánh giá sơ bộ của hãng Chứng khoán Maybank, nếu Bộ Công Thương ra quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc trong bối cảnh lượng tôn mạ xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng nhanh thì đây sẽ là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước nói chung và nhóm doanh nghiệp niêm yết như Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG), và Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA).
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á được kỳ vọng sẽ là những bên hưởng lợi nhiều hơn do có thị phần lớn nhất trên thị trường nội địa.
Đáng chú ý, Chứng khoán Maybank nhận định, việc áp thuế đối với tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp cho nhóm doanh nghiệp tôn mạ giảm bớt rủi ro từ việc thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị đánh thuế trong tương lai.
Cụ thể, các doanh nghiệp tôn mạ trong nước có thể tăng giá bán để bù đắp lại việc giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên, mà không lo vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Vừa qua, Tập đoàn Hoà Phát và công ty Formosa đã nộp đơn đến Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc do cho rằng sản phẩm này đe dọa sản xuất trong nước.
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: Hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của các nước bị điều tra; thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.