Sức mua quay trở lại, ngành thép “sáng cửa” phục hồi trong quý 2/2024
18/07/2024Ngành thép đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là trên thị trường nội địa, khi sức mua đang có tín hiệu phục hồi rõ ràng và giá thép duy trì khá ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy kết quả kinh doanh trong quý 2/2024.
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Mặc dù tiêu thụ thép xây dựng trên thị trường nội địa trong quý 1/2024 ở mức yếu nhưng thị trường bắt đầu ghi nhận các tín hiệu hồi phục rõ ràng từ tháng 4/2024.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam trong quý 1/2024, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt hàng thép xây dựng gần như được tiêu thụ toàn bộ trên thị trường nội địa. Do đó, diễn biến trên cho thấy nhu cầu trên thị trường nội địa đối với thép xây dựng trong quý 1/2024 chưa quá lạc quan khi lĩnh vực bất động sản dân dụng, lĩnh vực tiêu thụ thép chính, cùng với các dự án chưa được đẩy mạnh triển khai trong quý đầu năm.
Xét về thị phần, Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) tiếp tục duy trì thị phần cao nhất, chiếm 37% thị phần thép xây dựng nội địa.
Sản lượng tiêu thụ thép các loại (triệu tấn) giai đoạn quý 1/2023 và quý 1/2024. (Nguồn: VSA, VDSC)
Tuy nhiên, đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ, ống thép…, sản lượng bán hàng trong quý 1/2024 duy trì mức tăng trưởng mạnh từ 17,9% – 37,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhu cầu từ các thị trường ASEAN, EU, và Mỹ ở mức cao.
Đặc biệt, thị trường EU đã vượt lên ASEAN để trở thành thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành thép Việt Nam.
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu thống kê cho thấy đà phục hồi của ngành thép chủ yếu tập trung ở các công ty sản xuất quy mô lớn trong ngành như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG),…
Điều này đến từ việc các doanh nghiệp quy mô lớn có năng lực đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu nội địa chưa hồi phục. Đồng thời, các doanh nghiệp này có xu hướng thực hiện chính sách tồn kho thận trọng trong thời gian qua nhằm duy trì biên lợi nhuận.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen, và Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA) có tín hiệu tăng nhập nguyên liệu kể từ cuối tháng 3/2024, khi giá các nguyên liệu chính như quặng sắt, than cốc, thép HRC đã hạ nhiệt và ở mức thấp.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 khởi sắc
Sang tháng 4/2024, thị trường thép nội địa đã có tín hiệu hồi phục rõ ràng so với quý 1/2024, đặc biệt là tại miền Bắc. Theo đó, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Tập đoàn Hoà Phát đã tăng 48% so với sản lượng trung bình hàng tháng của quý 1/2024, đạt 471.000 tấn.
Sản lượng bán hàng nội địa của các công ty tôn mạ cũng cho thấy sự hồi phục tích cực. Cụ thể, sản lượng bán hàng nội địa của Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, và Tôn Đông Á lần lượt tăng 57%, 9%, và 75% so với sản lượng trung bình hàng tháng của quý 1/2024.
Đáng chú ý, thị trường ghi nhận tín hiệu “lạ” khi các đại lý tăng cường tích luỹ hàng tồn kho trái vụ trong tháng 4/2024. Thông thường, tháng 12 – tháng 3 hàng năm là giai đoạn tích hàng và tháng 4 sẽ là thời điểm bắt đầu xả hàng tiêu thụ. Việc các đại lý tích hàng trái vụ, phần nào phản ánh nhu cầu cuối đang cải thiện và tồn kho đại lý đang ở mức thấp, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính.
Bên cạnh đó, sự phục hồi còn đến từ việc một phần các dự án bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công bắt đầu được đẩy nhanh tiến độ, giúp cải thiện nhu cầu về thép.
Đồng thời, tín hiệu tăng trở lại của sức mua còn được thể hiện thông qua việc biên độ dao động giảm giá của thép Việt Nam trên thị trường nội địa kể từ tháng 2 – tháng 4/2024 đã siết lại hơn khi so với mức biến động của giá thép Trung Quốc.
Cụ thể, do ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào nên giá thép nội địa thường biến động tương đương hoặc mạnh hơn giá thép thế giới, đặc biệt là so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 2 – tháng 4/2024, theo dữ liệu của BSC Equity Research, giá thép xây dựng Việt Nam trên thị trường nội địa chỉ giảm 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm từ 10 – 15% của giá thép xây dựng trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đợt giảm giá vừa qua diễn ra tương đối nhỏ lẻ, chỉ giảm từ 100 – 200 đồng/kg/lần giảm.
Hiện hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sản lượng sản lượng bán hàng nội địa của các công ty thép có thể duy trì ở mức cao trong quý 2/2024; đồng thời, biên lợi nhuận có thể được giữ ổn định, qua đó thúc đẩy kết quả kinh doanh quý 2/2024.